10.11.2014

CHỌN VỢ CHỌN CHỒNG

Cho nên, nếu bạn rất yêu một ai đó và thực lòng muốn tiến tới hôn nhân với họ, bạn cùng đừng nên vội nhắm mắt gật bừa. Hãy bình tĩnh suy xét, tìm hiểu đối phương thật kỹ càng, để xem họ có thực sự là “một nửa” đích thực của mình, hay giữa hai người tồn tại quá nhiều chênh lệch

Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi chúng ta vẫn nghe người ta nói câu: “…Chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Theo nghĩa đen, câu nói này nhằm chê bai sự chênh lệch về ngoại hình của một đôi vợ chồng nào đó. Nhưng sâu xa hơn nữa, câu nói đó còn ám chỉ nhiều điểm không tương xứng khác giữa họ, liên quan đến trình độ học vấn, tính tình…Hẳn nhiều người đã từng xem một bộ phim truyền hình khá nổi tiếng, trong đó có những hình ảnh về tình yêu thắm thiết của một đôi trai gái, anh con trai là người chuyên mổ lợn, còn cô gái mù giỏi chơi đàn piano. Tuy tình yêu của họ rất đẹp, người xem vẫn có một cảm giác lo lắng mơ hồ cho tương lai của họ, khi mà thực tế cuộc sống vợ chồng sau đó (giả dụ cũng có trường hợp như họ ngoài đời thực), sẽ gây ra không ít khó khăn trở ngại, bắt nguồn từ chính điểm quá khác biệt từ xuất thân của mỗi người.
Cho nên, nếu bạn rất yêu một ai đó và thực lòng muốn tiến tới hôn nhân với họ, bạn cùng đừng nên vội nhắm mắt gật bừa. Hãy bình tĩnh suy xét, tìm hiểu đối phương thật kỹ càng, để xem họ có thực sự là “một nửa” đích thực của mình, hay giữa hai người tồn tại quá nhiều chênh lệch, trong một vài khía cạnh như:
Môi trường gia đình: Mỗi chúng ta đều ấp ủ khá nhiều mong muốn trong quá trình lớn lên tại gia đình. Mong muốn được hình thành qua sự dạy dỗ của bố mẹ và sự cảm thụ cuộc sống. Nếu khi bạn sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ luôn chung sống hoà thuận, có thể với cuộc hôn nhân của mình, bạn luôn là người giữ được hoà khí với bạn đời. Trong khi đó, biết đâu bạn đời của bạn lại rất hay có phản ứng tiêu cực với mọi bất đồng, chỉ bởi anh ấy từng phải chứng kiến cảnh bố mẹ lục đục, luôn miệng nói tới chữ ly hôn. Có thể nói, các cặp vợ chồng lớn lên từ các loại hình gia đình khác nhau có thể nảy sinh những bất đồng lớn trong một số vấn đề. Cho nên, trừ khi bạn phải cố gắng hết sức và chịu nhiều hy sinh, nếu không thì khó lòng mong có hạnh phúc với người xuất thân từ môi trường trái ngược hẳn với mình.
Tính cách, cách đối nhân xử thế: Trong thời gian tìm hiểu, hãy để ý quan sát người yêu trong cuộc sống hàng ngày, trong các mối quan hệ với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Từ đó, bạn có thể đánh giá xem liệu hai người có cùng chung quan niệm về các vấn đề trong cuộc sống hay không, hai người có thực sự hiểu nhau và đồng cảm với nhau? Liệu bạn có chấp nhận được cách xử sự và tính cách riêng của người yêu để sẵn sàng chung sống hoà hợp hay chưa? Nếu quả thực ngay từ khi còn yêu nhau mà giữa hai người đã luôn xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng trong vấn đề này thì nên nhanh chóng xem xét lại những tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của mình.
Khả năng kinh tế: Vẫn biết rằng tiền bạc không thể làm nên hạnh phúc, nhưng nó là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống chung của hai người trong tương lai. Khi yêu, dù khoảng cách giàu nghèo có lớn thì người ta vẫn có thể đến với nhau bằng tình yêu chân thành, cháy bỏng. Nhưng khi đã là vợ chồng, không thể chỉ có một người ra sức bươn chải với cuộc sống để lo liệu mọi mặt đời sống cho gia đình, còn người kia thì ăn không ngồi rỗi, đến bản thân mình cũng không thể tự nuôi nổi. Lâu dần, tình trạng đó sẽ biến cuộc hôn nhân của hai người thành ra kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, hoặc ngược lại. Tóm lại, việc hai người kiếm được nhiều tiền hay ít không quan trọng, điều quan trọng nhất là sự chênh lệch về thu nhập giữa hai người không nên quá lớn, dẫn tới sự mất thăng bằng tâm lý cho cả hai.
Nhận thức, trình độ học vấn: Dù muốn hay không, bạn và người bạn đời của mình ít nhất phải ngang tầm về sự hiểu biết. Bởi nếu sự chênh lệch về nhận thức và trình độ học vấn giữa hai vợ chồng quá xa sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất hoà trong gia đình. Hơn nữa, khi đã là vợ chồng, các bạn sẽ còn phải gánh vác vai trò là cha mẹ của các con mình trong tương lai. Bạn khó mà dạy dỗ được một đứa con trưởng thành với nhân cách tốt dù bạn có tỏ ra là người mẹ đảm đang, hiền thục, hiểu biết, mà trong khi đó, chồng bạn lại sống bê tha và tỏ ra thiển cận, ấu trĩ trước các vấn đề trong cuộc sống và xã hội.
Con cái: Có thể bạn coi việc sinh con đẻ cái sau khi kết hôn là chuyện đương nhiên, nhưng liệu người yêu bạn có nghĩ như thế không? Không ít phụ nữ vẫn lầm tưởng rằng người đàn ông khi đã lập gia đình sẽ thích có con và trở thành người cha gương mẫu. Nhưng trải nghiệm thực tế rồi họ mới vỡ lẽ ra chồng họ chỉ là một con người vô cùng ích kỷ, thà bỏ một đống tiền vào việc mua sắm ô tô, giao du với bạn bè còn hơn là dành tiền nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Ngược lại, nếu bạn không muốn có con, còn người yêu bạn lại muốn sau này bạn sẽ bỏ hết công danh sự nghiệp chỉ để ở nhà làm bảo mẫu cho các con của anh ta thì bạn hãy thận trọng suy xét, xem liệu mình có nên tiếp tục mối quan hệ đó hay không.
Mục tiêu cuộc sống: Bạn không thể chung sống hạnh phúc với người có mục tiêu cuộc sống trái ngược hẳn với mình, đó là điều hoàn toàn chắc chắn. Vậy hãy xác định rõ vấn đề này trước khi hai người quyết định gắn bó cuộc đời với nhau. Giả dụ như bạn trai bạn dự định lấy nhau vài năm rồi thì cả hai cùng đi du lịch mở rộng tầm mắt, còn bạn lại muốn có một cuộc sống ổn định, sau khi đi làm về là tập trung vào chăm sóc gia đình, con cái; hoặc bạn thích cuộc sống gia đình rộng mở, giao lưu nhiều với bạn bè, xã hội, nhưng bạn trai bạn lại không thích người ngoài biết nhiều tới đời sống riêng của hai người…Nếu mục tiêu cuộc sống của hai bạn quá vênh nhau thì đó không thể là tín hiệu tốt cho mối quan hệ lâu dài.
Tuổi tác: Đây là vấn đề mà khi đặt ra, sẽ có nhiều quan điểm hết sức trái ngược nhau. Một bên thì quan niệm: “tình yêu không có tuổi tác”, một bên lại lo ngại: “hơn nhau nhiều tuổi quá thì làm gì có sự đồng cảm”. Cho nên, quyết định vẫn tuỳ thuộc vào nhận thức của những người trong cuộc. Mặc dầu vậy, thực tế vẫn chỉ ra rằng tỷ lệ tan vỡ giữa những cặp vợ chồng chênh lệch tuổi nhau nhiều vẫn cao hơn ở những đôi lứa trong cùng hoàn cảnh. Tóm lại, khoảng cách tuổi tác luôn kéo theo khoảng cách về tâm sinh lý cũng như nhiều vấn đề phức tạp khác màbạn sẽ phải đối mặt, không chỉ trong ngày một ngày hai mà trong suốt cả quá trình hai người chung sống bên nhau.

1 nhận xét